Có đối diện với những thử thách khó khăn, bạn mới thấy cuộc đời mình là một công trình lớn lao, một sự trưởng thành, và bản thân bạn hoàn toàn có khả năng đương đầu với số phận nghiệt ngã.”
Lúc Don và tôi mới cưới nhau, mọi chuyện thật êm đềm nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân chỉ toàn là những bất đồng, những thảm kịch. Thế là tôi dồn hết khả năng, sức lực để tìm cách vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình.
Nhưng tận đáy lòng mình, tôi vẫn cứ cảm thấy lo, biết đâu một ngày nào đó, cuộc hôn nhân của chúng tôi không còn được êm đẹp? Tôi đem mối lo ấy đến hỏi bạn tôi, Daphne. Cô ấy vui vẻ đáp: “Cậu cứ tận hưởng những gì đang tốt đẹp đi. Còn nếu cậu muốn có một thứ gì đó để giết thời gian, thì cứ việc lo lắng!”.
Tôi chưa bao giờ học về sự lo lắng cả! Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn được học cách sống thế nào cho hạnh phúc. Ấy vậy mà tôi cũng như các bạn, đối với bất cứ chuyện gì, thái độ trước tiên của chúng ta cũng là lo lắng.
Thế thì tại sao chúng ta không biến những nỗi lo lắng ấy trở thành động cơ thúc đẩy chính mình?
Thực tế là cuộc sống luôn có những vấn đề khiến chúng ta phải cố gắng. Cứ thế, chúng ta luôn sống trong trạng thái không hài lòng về mọi chuyện. Chúng ta thường hướng sự chú ý của mình vào cái sai nhiều hơn là cái đúng, quan tâm đến những gì chưa hoàn hảo hơn là những điều vẹn toàn và không tự tin. Thay vì biết ơn về những may mắn, thành công hay những thế mạnh của mình, chúng ta lại chỉ toàn để ý đến những nhược điểm, những sai lầm của bản thân.
Vậy thì từ nay trở đi, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng về bản thân, bằng cách biến cảm giác không hài lòng đó thành động lực vươn lên trong cuộc sống. Từ nay, đừng mất quá nhiều thời gian để nghĩ về những điều không vui nữa!
Ở đây, tôi muốn nói rằng, hãy biết nhìn cuộc đời ở những khía cạnh tốt đẹp mà chúng ta có thể trải nghiệm để sống thật hạnh phúc, chứ không nên lúc nào cũng chỉ thấy toàn một màu xám xịt của khó khăn, phiền muộn. Đây là nội dung lá thư một người bạn đã gửi cho tôi: “Chị biết không, tôi yêu cuộc sống hiện tại của mình đến mức tôi chỉ lo mình không có đủ thời gian để dành cho công việc, chăm sóc cho chồng và hai đứa con bé bỏng của tôi. Sự thật là thế đó! Tôi luôn cố gắng tận hưởng những niềm vui mà một người làm mẹ có thể có được”.
Khi chúng ta tự tìm cho mình động lực để sống hạnh phúc, không có nghĩa là chúng ta cố tình xem nhẹ những khó khăn của chính mình. Cuộc sống là tổng hòa của những mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực…, chúng ta phải biết trân trọng và cảm nhận nó. Sẽ không ích gì khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình tệ hơn bằng cách chối từ sự hiện diện của những mặt tốt hoặc xem cuộc sống của mình là một thảm kịch. Mối quan hệ giữa tôi với chồng tôi là một mối quan hệ hoàn hảo ư? Dĩ nhiên là không. Tôi có thể kê ra một danh sách dài những lỗi lầm mà mỗi chúng tôi đã làm tổn thương lẫn nhau. Thật là khó khăn, nhưng sau cùng tôi đã hiểu được rằng: một mối quan hệ tốt đẹp không cứ phải là cố gắng làm cho mọi thứ được ổn thỏa, vừa vặn đâu vào đấy mà phải biết chấp nhận và sống với cả những điều chưa được trọn vẹn như ý muốn của mình. Sống hết lòng với những gì mình đang có bao giờ cũng khiến bạn cảm thấy mãn nguyện hơn so với việc cứ mãi ray rứt vì những gì mình chưa có.
Khi chúng ta tự tìm cách thúc đẩy mình hướng đến một cuộc đời hạnh phúc, cuộc sống sẽ trở nên giản dị hơn. Mọi thứ dễ dàng và trôi chảy hơn. Chúng ta không còn phải tối mày tối mặt lo giải quyết trăm ngàn thứ trong đời thường. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian để cảm nhận, thưởng thức những gì mà cuộc sống mang lại cho chúng ta. Gần đây, tôi có nói chuyện với một cô gái trẻ vừa mới kết hôn. Cô ấy đang gặp một số vấn đề trong cuộc sống gia đình. Gia đình bên chồng dường như không mấy quan tâm đến cô, và đôi lúc, cô cảm thấy buồn vì những lời nói vô tâm của họ. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đang cố gắng tìm cách lấy lòng tất cả mọi người bên nhà chồng; và nếu như thế, cô ấy sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức mà chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng trái với suy đoán của tôi, cô ấy đáp: “Nếu cháu muốn sống hạnh phúc, điều tốt nhất là cháu tự nguyện trở thành một thành viên tích cực trong gia đình chồng, thay vì cứ cố tìm cách làm thay đổi cái nhìn của mọi người về mình”. Cô gái trẻ ấy đã có cách ứng xử rất đúng trong trường hợp này. Khi hòa nhập tích cực vào cuộc sống của gia đình chồng, chắc chắn cô sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía họ.
Như vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy tự hỏi mình xem điều gì làm bạn không hài lòng trong cuộc sống? Sau đó, bạn hãy biến nó thành động lực thúc đẩy bạn sống hạnh phúc hơn. Bên cạnh, bạn cũng cần tìm cách cảm nhận những khía cạnh phong phú của cuộc đời hơn là lúc nào cũng cố sắp đặt mọi thứ theo ý riêng của mình. Thực hiện được cả hai điều ấy cùng một lúc là rất khó. Tuy nhiên, khi đã rèn luyện cho mình một cách sống như vậy, bạn sẽ không còn lo sợ bị rơi vào trạng thái nản lòng nhụt chí trước khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét