Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Khó kiểm soát việc sử dụng bình gas du lịch tái chế

Qua các đợt kiểm tra, Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động phát hiện rất nhiều bình gas Trung Quốc cũ được chiết nạp lại, vỏ rất mỏng. Các cơ quan thanh tra địa phương đã tịch thu những bình này, nhưng lại lúng túng vì không biết xử lý như thế nào.

Theo tiến sĩ Trần Mai, Vụ trưởng phụ trách Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), gas chứa trong bình du lịch có tỷ lệ butan khác bình gas lớn, cấu tạo vỏ bình chịu áp lực thấp hơn vỏ bình gas lớn và có tính chất chỉ sử dụng một lần. Do đó, việc các đại lý tự ý chiết nạp gas từ bình lớn vào các chai gas du lịch cũ tái chế là rất nguy hiểm cho người chiết nạp lậu và cả người sử dụng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 1995-2001, cả nước đã xảy ra 105 vụ cháy nổ gas làm chết 12 người, bị thương 31 người, thiệt hại tài sản gần 9 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ tai nạn do nổ bình gas, chai gas du lịch được chiết nạp trái phép.

Ngay từ tháng 7/2001, Bộ Thương mại đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý địa phương phải tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas giả nhãn hiệu và chống chiết nạp gas trái phép. Trước đó, theo Vụ trưởng Trần Mai, Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành văn bản chỉ cho phép nhập các loại chai gas du lịch đã nạp gas mới và còn nguyên niêm an toàn, cấm nhập các vỏ chai chưa nạp, cấm chiết nạp gas vào chai gas du lịch đã qua sử dụng.

Vậy nhưng, theo Ban Thanh tra an toàn lao động tại Sở LĐTB&XH các địa phương, việc chiết nạp gas từ bình lớn vào chai gas du lịch vẫn được tiến hành lén lút và rất khó kiểm soát. Phó ban An toàn lao động Sở LĐTB&XH của một thành phố lớn cho biết: "Chỉ có ngành công an mới có chức năng kiểm tra các nhà hàng, nhằm ngăn chặn việc sử dụng chai gas du lịch tái chế. Nhưng ban hành quy định cấm lại là Bộ LĐTB&XH, không phải Bộ Công an. Do đó, từ quy định đến thực hiện kiểm tra, quản lý còn gặp nhiều khó khăn".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét