Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của châu Á trong những năm gần đây góp phần đáng kể vào quá trình thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, theo cảnh báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Bầu không khí xung quanh một nhà máy tại thành phố Yutian, Hồ Bắc, Trung Quốc trở nên xám xịt vì khí thải của nhà máy này. Ảnh: |
“Chúng ta phải gia tăng các nỗ lực để sự phát triển kinh tế của châu Á không tạo ra nhiều khí thải carbon. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời nâng cao mức sống của toàn bộ châu lục. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đang kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có sự gia tăng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda phát biểu trong một diễn đàn về biến đổi khí hậu tại Philippines hôm 17/6.
Ông Kuroda cho biết, hiện nay các nước đang phát triển chiếm khoảng 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phần lớn khí thải tại các nước này được tạo ra trong quá trình sử dụng đất, khai thác năng lượng và phá rừng. “Nếu không tiến hành các biện pháp cấp bách ngay từ bây giờ, tỷ lệ khí thải gây biến đổi khí hậu của châu Á sẽ tăng lên mức hơn 40% trước năm 2030”, ông cảnh báo.
ADB đang tìm cách giải quyết tình hình và đã cấp gần 1,7 tỷ USD cho các dự án phát triển năng lượng sạch (như xây dựng nhà máy phong điện) tại Trung Quốc, Ấn Độ. “Các quốc gia châu Á cũng đang nỗ lực tìm ra những phương thức phát triển kinh tế mà không gây biến đổi khí hậu, trong đó có việc phát triển năng lượng tái sinh và công nghệ thân thiện với môi trường”, Kuroda nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Eric Hall, một chuyên gia về khí hậu của Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng có nhiều dấu hiệu đáng mừng về viễn cảnh một thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ ra đời vào tháng 12 năm nay tại Copenhagen (Đan Mạch).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét