Tìm được một căn nhà trọ ưng ý, thuận tiện, vừa túi tiền xem ra đang là mơ ước ngày một xa vời đối với các cặp vợ chồng trẻ, nhất là trong bối cảnh giá cả thi nhau leo thang hàng loạt...
"Đốt đuốc" tìm nhà vừa túi tiền
Để chắt bóp, nhiều cặp vợ chồng chấp nhận thuê nhà không có bếp, để bếp tràn cả ra hành lang đi lại của khu trọ. Ảnh Anh Lê |
Đi "thực tế" tình hình tại khu Pháo Đàng Láng (Đống Đa, Hà Nội), gặp anh Trần Thế Hoàng, nhân viên công ty T.A.- chuyên về phân phối linh kiện máy tính, đang chật vật dắt xe ra khỏi một trung tâm môi giới bất động sản tại đây.
Anh Hoàng cho biết, cứ sau giờ làm việc buổi chiều, anh lại lang thang khắp các ngõ ngách để tìm thuê một căn nhà ở gần công ty cho tiện công việc, vì chỉ còn chưa đầy tháng nữa, anh cưới vợ.
“Thuê được chỗ ở biệt lập hoàn toàn thì đắt lắm! Hai vợ chồng mình đi làm không tiết kiệm được nhiều. Biết bao nhiêu thứ phải sắm, rồi chi tiêu. Tìm khắp khu vực này chưa ra được căn nhà vừa ưng ý, vừa hợp túi tiền. Toàn 1,5 - 2 triệu" - anh lắc đầu ngán ngẩm.
Trường hợp anh Hoàng không phải là cá biệt hiện nay. Chị Hải Anh, nhân viên công ty S.N. tâm sự: Mình vừa đọc thông tin trên mạng, thấy ở Cầu Diễn cho thuê một căn phòng rộng khoảng 30m2 , giá 1 triệu đồng/tháng, liền cùng chồng tức tốc đến xem. Đến nơi mới biết, để vào được căn nhà phải qua ngoắt ngoéo bao nhiêu ngõ hẹp, nhà lợp ngói xập xệ, chỉ cần trận mưa lớn là dột tứ tung.
Hơn nữa, nước sinh hoạt ở đây lại không phải là nước máy mà chỉ có nước giếng khoan mùi tanh tanh. Mình đành thôi luôn ý định. Ước mong tìm được căn nhà ở biệt lập, giá cả phải chăng của hai vợ chồng thế là tan như ... bong bóng xà phòng.
Khảo sát các nhà cho thuê trên địa bàn Hà Nội cho thấy, gía cho thuê có sự chênh lệch tương đối giữa các căn hộ có cùng diện tích nhưng ở khu vực khác nhau, nhất là giữa nội thành và ngoại thành. Ở các khu ngoại thành, tìm nhà có giá cho thuê dao động từ 800 nghìn đến 1,5 triệu còn tương đối dễ, còn ở nội thành, mức giá 1,5 - 2 triệu đã thấy khó tìm.
Chủ một dãy nhà trọ đang cho thuê tại ngõ 994 đường Láng, tên Hà, phân trần: “Cách đây khoảng 6 tháng, giá nhà thấp hơn khoảng từ 1 đến 200 nghìn. Nhưng bây giờ giá cả tăng cao thế này, giá thuê phòng có lẽ phải nhích lên 1 chút nữa. Các nhà bên cạnh đã bắt đầu tăng giá rồi đấy!”
Khu nhà trọ chị Hà xây đã được hơn 2 năm với khoảng 16 phòng cho thuê. Mỗi căn rộng khoảng 12 – 15m2, có phụ khép kín trong phòng, hiện giá dao động trong khoảng 800 nghìn đồng đến 1,1 triệu, chưa kể sắp tới sẽ còn tăng.
"Nhịn" sinh con chỉ vì nơi ở quá sập xệ
Khu trọ cho các cặp vợ chồng thuê ở Đồng Xa (Mai Dịch – Hà Nội) được xây theo kiểu phân lô. Mỗi phòng chừng 25m2, phụ khép kín. Bếp chỉ là nơi vừa đủ để đặt cái bàn, trên đó có bếp ga một giá bát đĩa nhỏ. Giá của mỗi phòng khoảng 800.000 đồng/tháng.
Chị Hoa, làm việc ở phố Quan Thánh, cho biết: “Thuê nhà ở đây, cả hai vợ chồng chị đều phải đi làm xa. Nhưng nếu thuê nhà ở khu trung tâm thì không thể kiếm được. Mà nếu có kiếm được thì tiền lương cũng không đủ để trả tiền nhà".
Ngoài khoản đóng "cứng" là tiền thuê nhà hàng tháng, các hộ gia đình trẻ còn phải chi vô thiên lủng các món khác như tiền điện 2.000 đồng/số, tiền nước 7.000 đồng/m3 hoặc 25.000 đồng/người, tiền rác sinh hoạt, tiền an ninh, tiền khuyến học…
Giá cả các loại sinh hoạt phí thì rất đắt đỏ, nhưng để có một chỗ “chui ra chui vào”, nhiều gia đình trẻ đã phải “nghiến răng” nhịn người chủ nhà khắc nghiệt khi mâu thuẫn về quyền lợi nảy sinh.
Chị Vân (Khương Trung), lập gia đình được gần 1 năm, kể bằng giọng bức xúc: “Những hôm mưa, đường ngập ngụa, chân dính nước bẩn, mình lấy 2 gáo nước giếng khoan để rửa chân. Từ trong nhà thấy thế, cô chủ nhà chạy ra mắng té tát. Chỉ muốn chuyển sang ở Thụy Khê cho gần nơi làm nhưng giá thuê ở đó cao quá. Lại phải cố mà nhẫn nhịn cho yên thân".
Không chỉ đối mặt với những rắc rối trong sinh hoạt chung đụng, nhiều cặp vợ chồng trẻ đang phấp phỏng như ngồi trên đống lửa vì cứ mỗi lần đi ra đi vào, lại nghe chủ nhà đánh tiếng: giá cả ngày một cao thế này, cái gì cũng tăng thì giá nhà cũng phải lên thôi!
Nếu các cặp còn son rỗi khó khăn một trong chuyện thuê nhà trọ, thì những vợ chồng trẻ đang có con nhỏ lại càng khốn khó bội phần. Điều kiện sống không đảm bảo, ẩm thấp đầy muỗi, nước dùng bằng giếng khoan cũng là một trong những căn nguyên gây nên bệnh tật ở trẻ.
Gia đình anh Nam chị Liên đã có một cháu gần 2 tuổi. Tuy gia đình 2 bên đều cùng ở Hà Nội, nhưng là nhà ở phố cổ chật chội. Anh chị quyết định thuê nhà ở ngoài cho cuộc sống được thoải mái, dù phải chi phí thêm một phần không nhỏ trong quỹ thu nhập của cả 2 người.
Gặng hỏi, anh Nam miễn cưỡng tâm sự: “Cháu còn bé, hơn nữa hai vợ chồng đi tối ngày, không có thời gian để chăm cháu. Bà nội đề nghị đưa cháu về nuôi, sau khi tính toán thiệt hơn, bọn mình cũng đành đồng ý. Một tuần chỉ được chơi với con 1 ngày Chủ nhật. Nhớ lắm, nhưng cũng đành chịu. Còn hơn là bắt con ăn bột bằng nước giếng khoan, ở nhà ẩm thấp…”.
Trong điều kiện sống sập xệ, thiếu gần hết các điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì việc có con thật sự là một quyết định "liều lĩnh", tuy rất chính đáng của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Chính vì vậy mà rất nhiều người tâm sự: Đành phải chờ cho đến khi có đủ tiền thuê hoặc mua được một căn nhà, dù diện tích chỉ đủ chui ra chui vào, thì mới dám nghĩ chuyện sinh con.
Có ai biết, đằng sau những cánh cửa khép lại ở các căn nhà trọ là nỗi lo toan chồng chất về cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Họ sẽ xoay xở ra sao với cuộc sống chật hẹp của mình, khi mà mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, lại tiếp tục phải đối mặt với nỗi lo tăng giá?
Anh Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét