Chia sẻ những cảm nghĩ chân thật về Hà Nội, tác giả Naomi Lindt của thời báo New York Times giúp các độc giả quốc tế trải nghiệm 36 giờ thú vị ở một thành phố hiện đại xen lẫn truyền thống.
Gần Hồ Hoàn Kiếm, “trái tim” của Hà Nội, một chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược tới giờ phút kỷ niệm sinh nhật thứ 1.000 của Thủ đô vào năm 2010. Sẽ có rất nhiều hoạt động được tổ chức vào thời điểm đó. Thủ đô Hà Nội đang trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc trong hai thập kỷ qua, từ một nơi bị nạn đói và chiến tranh tàn phá thành một trung tâm văn hóa với nhiều tòa nhà cao tầng, nền nghệ thuật tầm cỡ thế giới và văn hóa ẩm thực đặc trưng.
Dù phát triển nhưng những nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ. Xen lẫn các khu mua sắm sầm uất là khu vực đền chùa nghi ngút hương khói, văn hóa xưa kia vẫn là một phần trong cuộc sống hiện đại. Từ các công trình Nho giáo tôn nghiêm đến các nhà hàng thời thượng kiểu Pháp… tất cả luôn hướng tới tương lai nhưng cũng không quên các giá trị truyền thống của quá khứ đã làm nên một Hà Nội ngày nay.
Thứ Sáu, 17h, lót dạ bằng bia hơi
Các hàng quán trên phố cổ luôn tấp nập khách ra vào. Ảnh: Justin Mott |
Trong một đất nước thức dậy trước bình minh và “ngủ say” vào khoảng 21 giờ, cuộc sống đêm ở Việt Nam cũng bắt đầu sớm hơn. Bia hơi, một loại bia cỏ địa phương, cũng là tên của một quá cà phê ngoài trời, phục vụ đồ uống với giá rẻ, hình thành nên tập quán uống ở ngay trung tâm thành phố.
Khu vực giao giữa phố Tạ Hiền và Lương Ngọc Quyến trong khu vực phố cổ đông đúc được gọi là “góc bia hơi” nhờ những người bán bia dạo. Khách du lịch bụi, sinh viên và những người đàn ông trung niên sau giờ tan tầm thường ghé qua, tìm một chỗ ngay trên vỉa hè và thưởng thức những cốc bia hơi được rót trực tiếp từ bom bia với giá chỉ 3.000 đồng.
19h - Bữa tiệc hải sản
Hải Sản Ngon (199A phố Nghi Tàm) là một nhà hàng đúng như tên gọi. Thực đơn lớn cho phép thực khách có nhiều lựa chọn đa dạng trước các tôm cua và cá nướng, chiên hay hấp. Ngoài ra, nhà hàng còn có các món đặc biệt khác như salad sò huyết (50.000 đồng một suất), trai ăn với cà rốt, dưa chuột và đu đủ xanh; tôm áp chảo với nước sốt me nóng và thơm (80.000 đồng một suất). Thực khách được thưởng thức các món ăn ngon ở ngoài trời trên những chiếc bàn đá phiến độc đáo hay trong phòng ăn làm bằng kính, trang trí đèn chùm làm từ cây tre truyền thống của Việt Nam đung đưa phía trên trần.
21h15 - Thế giới nước
Đối với du lịch gia đình, các vị khách có thể chọn Nhà hát Múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, giá vé từ 40.000-60.000 đồng), nơi hơn 1.000 câu chuyện cổ do những người nông dân sáng tác khi mùa mưa tới được trình diễn vài lần mỗi ngày. Những người điều khiển rối nước, đứng trong một hồ nước cao đến đùi đằng sau cánh gà, điều khiển bằng tay một cách điêu luyện, khiến các con rối bằng gỗ trở nên sinh động. Múa rối nước còn có sự tham gia của các ca sĩ và nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống.
Thứ Bảy, 9h30 - Rùa may mắn
Nụ cười tươi rói của chủ hàng bún bò Nam bộ. Ảnh: Justin Mott |
Trung Quốc đã cai trị phía Bắc Việt Nam trong hơn 1.000 năm và ảnh hưởng đó vẫn tồn tại trong các công trình mang hơi hướng của đạo Khổng trong xã hội. Văn Miếu Quốc tử giám (nằm trên đường Văn Miếu và Quốc Tử Giám, vé vào cửa 5.000 đồng), được xây dựng năm 1070 để vinh danh các nho sĩ và trở thành trường ĐH đầu tiên của Việt Nam. Một khuôn viên rộng lớn với các mảnh sân yên bình, hồ hoa sen và các ngôi đền mái đỏ vẫn là nơi lui tới của rất nhiều người. Các hàng bia rùa đá với tên của các tiến sĩ thời xưa là nơi cầu may mắn cho các sĩ tử trong mùa thi.
11h30 - Quầy hàng đường phố
Nếu bạn sẵn sàng quên đi điều hòa mát lạnh và một chỗ ngồi sang trọng, bạn sẽ có cơ hội khám phá các hương vị tuyệt vời của rất nhiều món ăn trên đường phố Hà Nội. Thông thường, bạn sẽ tìm thấy những món ăn tốt nhất và tươi ngon nhất tại những cửa hàng đông đúc nhất với giá dao động từ 20.000-50.000 đồng. Đừng bỏ lỡ các món ăn như bánh cuốn, làm từ nấm và thịt lợn xay nhỏ cuốn trong bột gạo tráng mỏng tại 14 phố Hàng Gà; bún chả, thịt viên ăn cùng với nem cuốn rau sống tươi tại số 1 Hàng Mành và bún bò nam bộ, thịt bò ăn cùng với bún, rau sống và lạc tại 67 phố Hàng Điếu.
13h30 - Thiên đường sáng tạo
Sẽ rất lý tưởng khi mua một vài tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, đã được thế giới công nhận. Điểm đến đầu tiên đối với tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc là Art Vietnam Gallery (số 7 Nguyễn Khắc Nhu), do Suzanne Lecht, một người Mỹ đã gắn bó với nghệ thuật Việt Nam trong 15 năm làm chủ. Các địa chỉ khác như Mai Gallery (113 Hàng Bông), Apricot Gallery (40B Hàng Bông) và Dragon Gallery (12 Tô Tịch) đại diện cho hàng chục nghệ sĩ, mặc dù loạt cửa hàng đó dường như còn thiếu hướng quản lý cụ thể.
17h - Thư giãn trên đảo
Sự bận rộn của Hà Nội có thể khiến bạn mệt lử nhưng cũng làm say mê lòng người, vì vậy hãy tới Sunset Bar tại khách sạn InterContinental Hà Nội (1A Nghi Tàm) để thưởng thức một ly cocktail thanh bình. Được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo nhìn ra hồ Tây, cách trung tâm thành phố 15 phút lái xe, quán bar được dựng trên một con thuyền làm bằng gỗ với những chiếc ghế đan bằng mây, trang trí bằng gối nhung mềm, đã biến nơi đây thành chỗ thư giãn ưa thích vào lúc chiều tà của giới ngoại giao hay các nhà thiết kế. Với chút gió phảng phất trên mái tóc và một ly martini trong tay, bạn sẽ cảm thấy như mình đang tận hưởng những giây phút thư giãn tuyệt vời tại một khu nghỉ dưỡng nhiệt đới xa thành phố.
19h30 - Hương vị Pháp
Những phiên chợ rau quả họp từ tờ mờ sáng là một nét đặc trưng của Hà Nội. Ảnh: Justin Mott |
Từ những căn nhà bình dân cho tới các nhà hàng năm sao, Hà Nội là một thành phố của các đầu bếp tuyệt vời. Một địa chỉ hứa hẹn là nhà hàng La Badiane, số 10 phố Nam Ngư, nơi những món ăn Pháp lấy cảm hứng từ châu Á do chính tay bếp trưởng người bản xứ Bejamin Rascalou đảm nhiệm. Nhà hàng ngự trên một biệt thự cổ, thời thuộc địa trước kia với các dàn đèn treo sơn bằng tay, trang trí theo hình Trái Đất và có các phòng ăn ấm cúng dành cho cá nhân. Thực đơn hạng ba (có giá từ 23USD, USD thường được sử dụng trong các khách sạn và nhà hàng cao cấp ở Hà Nội, dù có thể thanh toán bằng tiền Việt) bao gồm các lựa chọn như bánh bao tôm với nước sốt đậu hay thịt cừu tẩm café.
23h - Lách luật
Do luật của Chính phủ nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội nên việc tìm kiếm một điểm đến thú vị cho cuộc dạo chơi ban đêm tương đối thách thức. Để trốn tránh giới quản lý, rất nhiều quán bar chỉ đóng cửa chính vào lúc 23 giờ nhưng vẫn tiếp tục bữa tiệc. Le Pub (25 Hàng Bè) là một quán bar ở phố cổ với các đồ uống đặc biệt và một thư viện iTunes tuyệt vời. Eté (95 Giang Văn Minh) quyến rũ khách du lịch bằng các vị cocktail hoa quả tươi ngon, đồ ăn phong phú và các bữa tiệc khiêu vũ ngẫu hứng. Vào dịp cuối tuần, các D.J sẽ làm nóng không khí ở Loop (số 6 Hàng Bài), một câu lạc bộ nhỏ ở phía Nam Hồ Hoàn Kiếm.
2h sáng - Tinh túy buôn thương
Người Việt Nam vốn nổi tiếng với tính chăm chỉ, ví dụ điển hình là các khu chợ về đêm của thành phố. Vào khoảng 1h sáng, chợ Long Biên vừa mới bắt đầu hoạt động và vài giờ sau, khu chợ này vẫn tấp nập người mua bán. Dọc các dãy đèn lờ mờ, du khách có thể nhìn thấy một “biển” cam xanh, hàng rỏ trái cây chín và hàng xe tải dưa hấu. Chỉ cách đó vài cây số là chợ hoa Quảng Bá đầy màu sắc và hương thơm, nơi các bó hoa hồng lớn và hoa lay- ơn được bán với giá chưa đến 50.000 đồng. Tất cả phiên chợ chấm dứt vào lúc 5h30 hoặc 6h sáng.
Chủ Nhật, 11h - Thiên đường thời trang
Với những người thợ may tài hoa và vật liệu rẻ, Việt Nam là một thiên đường thời trang. Trong một tòa nhà ba tầng màu trắng trên tuyến phố chuyên về lụa, cửa hàng Tan My Design (61 Hàng Gai) là nơi thể hiện tài năng của các nhà thiết kế địa phương. Giống như những người Hà Nội đích thực, họ thiết kế những bộ đồ mang phong cách thời xưa, cổ áo đứng và hẹp, vải lụa cao cấp và các đường thêu tinh tế, tạo nên một phong cách mới lạ cho cuộc sống hiện đại của thế kỷ 21.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét