Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền VN tại Hoàng Sa

Một sắc chỉ của triều đình Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh.

Hậu duệ của dòng họ Đặng, ông Đặng Văn Thanh, vừa lặn lội từ đảo Lý Sơn vào đất liền, đến thành phố Quảng Ngãi để trao di vật tổ tông cho lãnh đạo tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Quảng Ngãi, nói: "Quá vui mừng và bất ngờ khi tôi nhận được tư liệu quý này, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền VN đối với quần đảo Hoàng Sa". Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi 1835).

Chủ nhân của bức sắc chỉ.

Qua phiên dịch của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN, sắc chỉ ghi rõ (bằng chữ Hán): "Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi, lặn để gia nhập đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm (dòng họ ông Đặng Lên đang giữ tài liệu) lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần".
Sắc chỉ còn thể hiện cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành mà nhiều bộ chính sử và các tư liệu lâu nay chưa đề cập rõ.

Theo tiến sĩ Vũ, đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sắc chỉ này là bằng chứng lịch sử khẳng định mỗi năm vua Minh Mạng đều cho thành lập một hải đội gồm các thợ lặn thiện chiến nhất ở Lý Sơn giong buồm đến Hoàng Sa để tìm hải vật và cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này. Triều đình từ thời đó cũng đã xác định đây là công việc rất quan trọng, được phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc lập bản đồ, cắm mốc chủ quyền, trồng cây và bảo vệ Hoàng Sa.

Từ sắc chỉ này, theo nghiên cứu của giới sử học Quảng Ngãi, công việc bảo vệ Hoàng Sa thời xưa kéo dài suốt nhiều năm và rất nhiều hải đội người Việt đã nối tiếp nhau có mặt ở quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tộc họ Đặng mà ở huyện đảo Lý Sơn còn có các tộc họ Võ, Phạm, Nguyễn... cũng liên tiếp nhau đến Hoàng Sa - Trường Sa theo lệnh của triều đình. Tiến sĩ Diện cũng khẳng định sắc chỉ là một tờ lệnh rất quý giá, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 15. Các dấu ấn đóng trên văn bản cho thấy giá trị xác thực và tin cậy của tờ lệnh.

Ấn của vua được đóng trên sắc chỉ.

Ông Đặng Lên, chủ gia đình đang lưu giữ tờ lệnh của tổ tiên, kể, sắc chỉ đã truyền trong dòng họ từ nhiều đời nay và được 6 thế hệ lần lượt cất kỹ trong một hộp kín, hiếm khi được mở ra nên không biết nội dung nói gì. Chỉ đến dịp giỗ tộc Tết vừa rồi, cả dòng họ thống nhất photo tờ sắc chỉ gửi đến Sở Văn hóa nhờ dịch, mới biết tổ tiên từng tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước ở Hoàng Sa. "Tộc họ chúng tôi rất tự hào về truyền thống tổ tiên giong buồm đến Hoàng Sa theo lệnh triều đình nên nay quyết định hiến tờ sắc chỉ cho quốc gia", ông Lên xúc động nói.

Theo ông, mới đây có người giả danh là cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tìm đến gia đình ông để xin nhận tờ sắc chỉ. Tuy nhiên, khi liên lạc với Sở có xác nhận là không cử người đến nhà, gia đình ông Lên kiên quyết từ chối trao tư liệu này cho kẻ mạo danh.

Trao đổi với VnExpress.net ngày 9/4, ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, chính quyền địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ gia đình ông Lên cùng với bức sắc chỉ được xem là cứ liệu lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Sáng cùng ngày, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiếp quản và bảo lưu tài liệu này. Sở cũng làm một phiên bản của sắc chỉ có chiều dài 1,5 mét, rộng 0,6 mét trong khung kính để ở nhà thờ họ Đặng tại Lý Sơn, đồng thời tặng giấy khen cho ông Đặng Lên.

Nội dung của sắc chỉ.

Mấy ngày qua, câu chuyện về những người lính giong buồm đến Hoàng Sa được người dân Lý Sơn kể cho nhau nghe như những bản anh hùng ca.Theo lời kể của những người già trên đảo Lý Sơn, họ từng được nghe cha ông truyền miệng nhau về những chuyến giong buồm vượt biển đến Hoàng Sa gần 200 năm trước.

Theo ông Lên, trước khi giong buồm vượt biển Đông, các thành viên của hải đội Hoàng Sa được gia đình, họ tộc làm lễ "tế sống", gọi là Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa. Lễ này thường diễn ra vào tháng 2 và 3 hằng năm ở đảo Lý Sơn. Mỗi người lính được tạc một hình nhân để thế mạng và chôn vào các ngôi mộ gió, bởi chuyến đi của họ giống như cuộc ra đi của tráng sĩ Kinh Kha - khó có ngày về.

Ở Lý Sơn ngày nay, hầu như đi đến đâu cũng bắt gặp vô vàn những ngôi mộ gió này. Các hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn nối tiếp nhau đến Hoàng Sa - Trường Sa trên những chiếc ghe bầu được đóng bằng gỗ chò mà người xưa hay gọi là tiểu điếu thuyền. Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì đến đảo Hoàng Sa. Ngoài lương thực, nước uống được mang theo tạm đủ dùng trong 6 tháng, những người lính còn bắt cá, chim làm lương thực trong suốt chiều dài hải phận. Trước khi ra đi, các thành viên không quên mang theo bên mình một thẻ bài ghi rõ danh tính, quê quán, phiên hiệu hải đội. Mỗi người còn chuẩn bị một chiếc chiếu, dây mây, nẹp tre để lo hậu sự cho chính mình nếu không thể trở về đất liền.

Nhắc đến Hải đội Hoàng Sa, người Lý Sơn luôn khắc cốt ghi tâm những người anh hùng bất chấp hiểm nguy để cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng cây cối, thu lượm hải vật ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có những người của tộc họ Phạm là Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật.

Theo gia phả lưu giữ tại gia tộc Phạm, vào triều Nguyễn, Phạm Quang Ảnh được phong làm cai đội Hoàng Sa. Ông lãnh quân ra đi rồi mãi mãi không về. Con cháu đắp nấm mộ chiêu hồn tập thể cho ông cùng 10 người lính của mình. Đến nay, ngôi mộ gió này vẫn còn được thờ tự ở thôn Đông, xã An Vĩnh.

Còn ông Phạm Hữu Nhật được phong làm Chánh đội trưởng suất đội, đã dẫn đầu một nhóm thuyền chở khoảng 50 người mang theo lương thực đủ ăn 6 tháng vượt biển đến Hoàng Sa. Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, họ đều dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ.

Không ai rõ Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông đi mãi không về. Gia đình, họ tộc đã phải an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt. Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa cũng được đặt tên Quang Ảnh để ghi nhớ công lao của Phạm Quang Ảnh- người đã từng đặt chân lên đảo này để khẳng định chủ quyền.

Giới nghiên cứu sử học tại Quảng Ngãi cũng xác nhận những thông tin này là thật.


Theo vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét