Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

10 cách chụp ảnh đẹp hơn

Muốn làm bánh ngon chúng ta cần phải có nguyên liệu tốt, nhưng điều quan trọng hơn là tay nghề của người làm bánh. Dùng một chiếc máy kỹ thuật số DSLR thật xịn, hay chỉ là một chiếc máy số gia đình, thì điều quan trọng nhất vẫn là việc nắm vững kỹ thuật chụp và góc nhìn sáng tạo của người chụp. Để có được điều đó thì đây là 10 công thức cơ bản mà chúng ta có thể vận trong khả năng của mình.


1. Ống kính góc rộng







Nếu có điều kiện bạn có hãy mua một ống kính góc cực rộng hay fish-eye (ống kính mắt cá) càng tốt. Ống kính fish eye cho góc chụp của bạn lên đến 180 độ. Ống kính góc rộng khi chụp từ dưới hất lên trên, hoặc chụp cận ảnh sẽ tạo ra những sự biến dạng thật lạ mắt. Cũng nên lưu ý bạn không nên dùng ống kính này để chụp chân dung ai đó ở khoảng cách gần vì nó làm biến dạng khuôn mặt. Nếu ống kính góc rộng có giá hơi đắt với túi tiền thì bạn có thể mua những thiết bị rẻ hơn như là loại wide/tele lens adaptor - nó giống như một ống kính khác vặn vào phía trước ống kính bạn để biến thành ống kính wide hay tele. Dĩ nhiên chất lượng hình ảnh do wide/tele lens adaptor mang lại chỉ ở mức trung bình.



Ở ảnh này tôi dùng một semi fish-eye hiệu Irorex gắn thêm vào đầu ống kính và khi chụp từ dưới hất lên trên để tạo một hiệu quả hút sâu. Thực sự loại apdaptor này khi gắn vào chụp ảnh cũng không nét lắm, nếu bạn có thực hiện cũng nên để khẩu độ thật nhỏ như f/11.0 trở lên.



2. Ống kính tiêu cự dài







Nếu có điều kiện bạn hãy sắm một máy chụp ảnh DSLR, máy loại này sẽ cho bạn tự do thay đổi ống kính. Nhiều máy dòng DSLR giờ đây chỉ lớn hơn máy point and shoot một chút và sử dụng cũng cho phép những tính năng từ auto đơn giản đến chỉnh tay hoàn toàn. Khi có thể thay ống kính thì bạn sẽ mua thêm ống kính tele. Ngược với ống kính wide, góc chụp của ống kính tele sẽ hẹp và giống như ống nhòm, tức là bạn đang kéo gần vật thể để đóng khung nó lại. Ống kính loại này rất thích hợp để chụp ảnh đặc tả.



Những chiếc lá nằm ở một giữa dòng kênh ở Bình Chánh – TP HCM, lúc này một ống kính tele sẽ phát huy tác dụng khi bạn không tiếp cận được chủ đề. Ảnh được chụp ở tiêu cự 85mm.



3. Đi chụp ảnh dã ngoại







Nói một cách hơi nghệ sĩ một chút là đi "sáng tác", nhưng bạn cũng đừng nghĩ là cái gì to tát lắm. Đơn giản là một chuyến đi chơi dã ngoại để bạn hoà mình vào thiên nhiên. Ở đó bạn sẽ dàng cảm hứng và có cơ hội thực tập nhiều thể loại ảnh như phong cảnh, đời thường, chân dung, tĩnh vật... Thông thường khi "kết" một địa điểm nào, bạn nên quay trở lại chụp ở nhiều thời điểm khác trong năm vì nó luôn thay đổi theo mùa và thời tiết. Trước mỗi chuyến đi, nhớ chuẩn bị pin, thẻ nhớ đầy đủ, ngoài ra hãy đi những địa điểm gần trước khi làm một chuyến dài ngày.



Để cảm nhận được cảm giác giữa rừng hoang sơ, không khí mát lạnh, sương mù thì bạn phải làm một chuyến chụp ảnh dã ngoại thôi. Ảnh chụp tại rừng Tà Cú – tỉnh Bình Thuận với Tốc độ 1/250s, Khẩu độ f/5.6, ISO 200 tháng 6/2007 vừa qua.



4. Mang theo máy mọi lúc - chụp mọi chủ đề







Luôn luôn có những tình huống xảy ra hàng ngày chung quanh bạn mà nếu không giữ lại khoảnh khắc đó bạn sẽ thấy tiếc vô cùng. Vì vậy hãy luôn mang theo máy ảnh mọi lúc, mọi nơi và chụp bất cứ chủ đề gì mà mình ưa thích. Lúc này chiếc máy point and shoot nhỏ xíu có vẻ thuận lợi hơn khi bạn dễ dàng bỏ túi một cách thời trang.



Trong một lần lên đồi cát Mũi Né cùng gia đình bắt gặp cảnh tượng nhiều màu sắc của nơi bán diều, tôi liền chụp dù trước đó không có chủ đích sáng tác ở đây. Ảnh chụp với Tốc độ 1/60s, Khẩu độ f/22.0, ISO 200.



5. Đi học chụp ảnh và tham gia diễn đàn nhiếp ảnh



Nếu có điều kiện bạn nên tham gia những lớp học chụp ảnh, ở TP. HCM thì có thể học tại Hội Nhiếp Ảnh TP. Việc học chụp ảnh giúp bạn có cơ hội hiểu tường tận nhiều vấn đề cũng như có thể đặt câu hỏi trực tiếp những thắc mắc trong quá trình chụp của mình. Nếu không có thời gian đi học thì ít ra bạn nên tham gia một diễn đàn nhiếp ảnh trực tuyến như các trang www.vnphoto.net, www.nghethuatnhiepanh.com, www.photo.vn, www.zidean.com... Tuy nhiên, dù đi học nhiếp ảnh hay là thành viên của diễn đàn ảnh trực tuyến thì bạn hãy tích cực tham gia những buổi đi chụp ảnh thực tế cùng với nhóm.



6. Mua báo ảnh - đọc sách ảnh



Đọc sách báo về nhiếp ảnh cũng rất quan trọng để giúp bạn chụp hình đẹp hơn. Ngoài việc cung cấp một số kinh nghiệm, kiến thức... nó còn giúp bạn cập nhật những tin tức sản phẩm và những thiết bị phù hợp với nhu cầu của bạn. Một số tạp chí luôn có những chuyên trang về nhiếp ảnh như chuyên đề Thế Giới Số, tạp chí Nhiếp ảnh, Thế giới ảnh, Ánh sáng đẹp...



7. Học xử lý ảnh







Ngoài việc chụp ảnh thật tốt, nếu bạn nắm vững kỹ thuật xử lý ảnh thì bạn còn có cơ hội cân chỉnh về màu sắc, độ đậm nhạt để diễn tả trung thực hình ảnh lúc bạn chụp. Nếu bạn là một cao thủ xử lý ảnh, thì bạn còn có thể tạo ra những tác phẩm manipulation (lắp ghép nhiều ảnh để tạo ra một ảnh mới). Phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp mà mọi người thường nhắc đến là Photoshop, hiện cũng có nhiều bài hướng dẫn các kỹ năng đặc biệt về Photoshop trên Thế Giới Số.



Vận dụng khả năng xử lý ảnh của Photoshop, tôi đã ghép chiếc xuồng và vẽ thêm mặt trăng để diễn tả cảnh những ngư dân đi câu đêm vì thật khó để chụp được một ảnh thật như vậy.



8. Đi xem triển lãm



Nếu có dịp bạn hãy đi xem những cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh... càng nhiều càng tốt. Xem tranh nhiều sẽ giúp bạn có những học hỏi về màu sắc, bố cục, trong khi đó xem ảnh sẽ cho bạn những góc nhìn, ý tưởng, cách diễn tả sự kiện... Đừng nghĩ bạn sẽ copy những điều này rập khuôn, thực sự nó sẽ kích thích sức sáng tạo giúp bạn tạo ra những tác phẩm mới.



9. Thi ảnh



Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi tham gia thi ảnh là gởi ảnh về một tờ báo. Lúc đó, tôi đều đặn mua báo và chỉ có dịp được xem ảnh của người khác vì dường như ảnh của tôi không đủ tiêu chuẩn để đăng. Thật sự nếu chưa thi ảnh lần nào, có lẽ bạn cũng khá ngần ngại khi gởi ảnh. Hãy vượt qua tâm lý này và gởi ảnh đi thi, vì sau đó bạn sẽ quan tâm đến cuộc thi và theo dõi những ảnh đoạt giải và triển lãm. Thông qua nó, bạn sẽ học hỏi những điểm mạnh và điểm yếu của ảnh mình khi so với ảnh của người khác và rút ra kinh nghiệm. Hàng năm Hội Nhiếp Ảnh TP HCM luôn có hai cuộc thi truyền thống vào dịp kỷ niệm Quốc Khánh 2-9 và dịp đầu Xuân. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều cuộc thi ảnh đăng tải trên các báo, trên các trang web....



10. Triển lãm ảnh của bạn



Chữ "triển lãm" chỉ đơn giản là việc bạn tập hợp các ảnh của mình lại và cho bạn bè, người thân xem càng nhiều càng tốt. Nếu được bạn chia ảnh thành từng nhóm, từng bộ... rồi gởi lên một trang web, hay in ra và bỏ vào album.



Một số góp ý sẽ làm bạn hơi nản, nhưng đa số sẽ giúp bạn có những trăn trở và động lực chụp ảnh tốt hơn. Một lúc nào đó khi chìa ra bức ảnh làm ai đó phải thốt lên "Ồ, đẹp quá!" tức là bạn đã thành công rồi đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét