Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Máy ảnh số và những quan niệm sai lầm

(Dân trí)- Máy ảnh số ngày càng phổ biến nhưng không phải ai cũng am hiểu về nó, một phần do công nghệ ảnh số phát triển quá nhanh. Những quan niệm sai lầm trong nhiếp ảnh đôi khi chính là nguyên nhân khiến tấm ảnh chụp trở nên xấu xí.

Bài viết sẽ giải thích cho bạn hiểu thêm về máy ảnh.


Sai lầm 1: Máy ảnh đắt tiền sẽ chụp ảnh đẹp hơn


Thực tế: Sự hiểu nhầm này không chỉ riêng trong thế giới máy ảnh số mà một số vật dụng khác, như vợt tennis, xe hơi… Mặc dù máy ảnh đắt tiền thường được trang bị những tính năng nâng cấp cùng công nghệ tiên tiến nhưng không phải tất cả camera lấy đi của bạn nhiều tiền đảm bảo cho bạn những tấm ảnh đẹp.

Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu và chọn mua những máy ảnh có các tính năng cần thiết hay những chức năng mà bạn muốn có. Tư duy sáng tạo có thể cho ra lò những tấm ảnh đẹp nhưng bức hình sẽ hoàn hảo hơn nếu bạn biết ứng dụng những kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản. Các tay máy chuyên nghiệp vẫn thường nói: “Máy ảnh không làm nên chất lượng tấm ảnh mà là người đứng sau nó”.


Sai lầm 2: Độ phân giải cao sẽ cho ảnh đẹp


Thực tế: Máy ảnh có độ phân giải cao sẽ cho phép người dùng in ảnh cỡ lớn hơn và bạn phải hiểu rằng cảm biến camera cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng ảnh chụp. Cảm biến trong hầu hết các máy ảnh compact hay thậm chí là máy ảnh cho các nhiếp ảnh chuyên nghiệp đều có độ phân giải thấp hơn trong các máy ảnh ống kính rời dSLR.

Khi bạn sử dụng quá nhiều độ phân giải để chụp vùng ảnh hẹp thì chất lượng ảnh chụp sẽ không được như mong muốn. Để dễ hiểu thì bạn có thể nhìn vào hai tấm ảnh cùng độ phân giải - một ảnh chụp bằng máy compact còn ảnh khác chụp bằng máy dSLR.


Sai lầm 3: Có thể sửa tất cả mọi vấn đề liên quan đến ảnh trên Photoshop


Thực tế: Bất cứ ai vẫn ấp ủ suy nghĩ này thì có thể khẳng định một điều đó là một nhiếp ảnh cực tồi hoặc là một người cực kỳ lười nhác. Photoshop có thể làm sáng bức ảnh, tạo sắc nét và hoặc thậm chí là bỏ được những chi tiết xấu trên bức ảnh. Tuy nhiên, dùng phần mềm để sửa ảnh có rất nhiều hạn chế. Chẳng lẽ bạn phải ngồi sửa tất cả 300 tấm ảnh chụp trong đợt đi du lịch vừa rồi? Bạn nên tiết kiệm thời gian bằng cách hiểu rõ hơn về kỹ thuật nhiếp ảnh, về cách chỉnh sửa camera và sử dụng các setting phù hợp.


Sai lầm 4: Định dạng RAW chỉ dành cho dân chuyên nghiệp


Thực tế: Nếu như định dạng ghi ảnh như JPG, TIFF... sử dụng kỹ thuật “nén có mất dữ liệu” (lossy compression) - tức một phần thông tin ảnh sẽ được lược bỏ để giảm dung lượng file, thì định dạng RAW chứa toàn bộ dữ liệu mà bộ cảm biến trong các máy ảnh số ghi được khi chụp.

Đúng là để xử lý file RAW thì rất khó khăn nhưng hiện tại đã có nhiều phần mềm được cài sẵn với camera để hỗ trợ người dùng khi làm việc với định dạng RAW. Người dùng, đặc biệt là các tay máy nghiệp dư có thể dễ dàng sáng tạo trên tấm ảnh của mình. Tuy nhiên, lưu ý rằng định dạng RAW chiếm rất nhiều dung lượng trên thẻ nhớ, bạn phải lưu ý điều này nếu phải dùng đến nó.


Sai lầm 5: Không cần các chế độ chụp cảnh


Thực tế: Điều này có thể đúng trong quá khứ, còn máy ảnh point-and-shoot ngày nay được trang bị nhiều tính năng nâng cao có thể nhận diện khuôn mặt và nhiều tính năng khác. Các chế độ chụp cảnh được lập trình sẵn có cả các thông tin về các tình huống chụp ảnh thường gặp. Và, hầu hết các máy ảnh đều đủ thông minh để tự động đưa ra các cài đặt thích hợp để đạt được các hiệu ứng đẹp về độ phơi sáng, màu sắc và tương phản.


Sai lầm 6: Cần phải có máy tính để in ảnh


Thực tế: Quan niệm này chỉ đúng trong những ngày đầu của ngành công nghiệp ảnh số. Khi đó, người dùng phải đổ ảnh lên máy tính rồi mới in được. Tuy nhiên, ngày nay, người dùng có thể in ảnh ở bất cứ đâu, từ phòng lab của các cửa hàng chụp ảnh, các kiot in ảnh tự động và các dịch vụ in ảnh trực tuyến. Hầu hết các máy in đều có khe cắm thẻ nhớ để người dùng in ảnh từ thẻ. Còn nếu máy ảnh của bạn có chức năng Pictbridge thì bạn chỉ cần nối máy ảnh với máy in rồi chọn ảnh để in.


Sai lầm 7: Thẻ nhớ có tốc độ đọc nhanh cho máy đạt hiệu suất tối đa


Thực tế: Điều này có thể đúng với máy ảnh ống kính rời dSLR. Thẻ nhớ có tốc độ đọc dữ liệu nhanh không có ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý từng tác nhiệm của máy ảnh compact. Bởi vì các file ảnh mà máy ảnh compact chụp tương đối nhỏ so với máy dSLR. Vì thế, bạn không cần chi thêm tiền để mua chiếc thẻ nhớ đắt hơn bình thường.


Sai lầm 8: Chế độ chụp tự động làm ảnh bị nhiễu


Thực tế: Trước đây, nếu muốn chụp ảnh tự động (Auto mode), người dùng sẽ phải hy sinh chất lượng của ảnh, đặc biệt khi chụp các góc chụp khó hay trong điều kiện ánh sáng yếu. Còn hiện nay, các nhà sản xuất đã ứng dụng các thuật toán chụp ảnh nâng cao cho các dòng máy ảnh đời mới. Thế nên, máy ảnh có thể lấy nét tốt và phơi sáng đẹp khi chụp Auto.


Sai lầm 9: Pin hàng ngoài vẫn dùng tốt


Thực tế: Các loại pin hàng ngoài thường có giá rẻ hơn pin của hàng chính hãng mặc dù, đôi khi loại pin này có thời lượng pin dài hơn. Nếu bạn muốn chuyển sang sử dụng pin của bên thứ 3 thì nên lưu ý đến các rủi ro sau: Chất lượng pin sẽ kém đi vì sự khác nhau về nguồn điện của hai loại pin, và pin sẽ không được xạc đúng cách – có thể làm ảnh hưởng đến máy ảnh. Tất nhiên, chắc chắn là bạn sẽ không được hưởng chế độ bảo hành của hãng sản xuất camera khi máy bị hư hỏng.


Sai lầm 10: Máy ảnh dùng pin tiểu (AA) có thời lượng pin thấp


Thực tế: Điều này phụ thuộc vào loại pin AA dùng trong máy ảnh. Vì máy ảnh số là thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng, nên pin kiềm (alkaline) không “thọ” được lâu. Còn pin Lithium có thời lượng dùng nhanh hơn nhưng lại đắt hơn pin kiềm. Pin Nickel Metal-Hydride (dung lượng trên 2,500mAh) có tuổi thọ pin lâu nhất và giá thành cũng rẻ. Loại pin này là lựa chọn tiết kiệm nhất.

Còn với pin AA - loại pin dùng một lần thông dụng nhất hiện nay bởi giá thành thấp mà dung lượng đủ cao, người dùng cảm thấy thoải mái, thuận tiện vì sự nhỏ gọn rất dễ thay thế ở mọi lúc mọi nơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét