Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Dành tất cả thời gian cho công việc mà không hề quan tâm đến những vấn đề khác như vui chơi giải trí hoặc tham gia công tác xã hội sẽ làm cho vấn đề sức khỏe và tâm lý của bạn trở nên nghiêm trọng. Có thể bạn không nhận ra nhưng các mối quan hệ xã hội của bạn sẽ gặp khó khăn nếu bạn chỉ biết lao đầu vào công việc.

Cô Sandra, người Mỹ, 36 tuổi, làm tới 65 giờ/tuần trong một công ty chuyên về tư vấn Luật ở Chicago. Thậm chí, có những khi Sandra không có ngày nghỉ. Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng cô lại phải trả một cái giá khá đắt. Hai năm nay, kể từ khi cuộc sống của cô chỉ có công việc thì cũng là lúc những căng thẳng cứ dần tăng lên, Sandra cảm nhận mình ngày càng bị trầm nhược và mệt mỏi.

Những khó khăn điển hình của Sandra cũng là những khó khăn chung của rất nhiều phụ nữ khác. Dành quá nhiều thời giờ cho công việc đã khiến họ bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hậu quả của sự mất cân bằng là những mối nguy như ly dị hoặc tranh cãi với chồng về việc chăm sóc con cái, trầm trọng hơn là sức khoẻ bị suy giảm.

Dấu hiệu của sự mất cân bằng thường biểu hiện dưới dạng mất ngủ, ăn không ngon, giảm cân… Chính vì lý do trên mà chúng ta cần phải đặt những câu hỏi kiểu như: “Tuần này mình đã làm việc bao nhiêu giờ, mình tham gia hoạt động xã hội không và chế độ nghỉ ngơi giải trí của mình như thế nào?”. Khác với đàn ông, sự mất cân bằng do công việc ở phụ nữ diễn ra từ từ và họ không phát hiện ra vấn đề cho đến khi bùng nổ một cơn khủng hoảng.

Một số nguyên nhân của sự mất cân bằng do công việc:

- Mang công việc về nhà và làm cho tới tận khuya, thậm chí làm qua đêm hoặc làm cho đến ngày chủ nhật.

- Thời hạn bắt buộc phải hoàn thành công việc ảnh hưởng đến các hoạt động giao lưu.

- Tâm trạng buồn chán và suy giảm sinh lực.

- Giấc ngủ không ngon, thường xuyên ngủ mơ những vấn đề liên quan đến công việc.

Một số giải pháp lấy lại cân bằng:

1. Lên thời gian tham gia hoạt động xã hội và vui chơi giải trí

Lấy bút chì đánh dấu thời gian mà bạn dự định sẽ đến gặp bác sĩ nha khoa hoặc thời gian tham gia vào buổi trao đổi về bệnh AIDS. Khi còn là sinh viên, bạn đam mê vẽ tranh vậy tại sao không thử vẽ một bức tranh và hoàn thành nó vào mỗi ngày?

Rebecca Rand, cử nhân lâm sàng xã hội của Mỹ đã đưa ra một đề xuất giúp bạn cải thiện đời sống nghề nghiệp. Cô nói, những việc làm đơn giản như chuẩn bị bữa ăn trưa ngoài trời hoặc nấu một bữa ăn cho mình vào tối chủ nhật cũng có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Tham gia câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ cũng là một việc làm cần thiết, mỗi tuần chỉ cần bỏ ra 45 phút để tập, bạn sẽ thấy sức khoẻ được cải thiện rõ rệt. Ý tưởng này cũng giúp bạn thay đổi ý nghĩ “công việc ngập đầu ngập cổ”. Bạn không còn cảm thấy mất cân bằng bởi đã đặt giới hạn thời gian cho mọi hoạt động của mình.

Tốt hơn nữa là bạn nên đặt một kế hoạch cụ thể rõ ràng, ví dụ như “Chiều chủ nhật tuần này mình sẽ đi thăm thầy giáo cũ” hoặc “Tối thứ 7 sẽ đi xem phim cùng em gái"…

2. Hãy đặt “đường ranh giới” cho bản thân

Nhiều khi bạn thực sự mệt mỏi với tính “tham công tiếc việc”. Hãy nhớ rằng mọi việc cần chất lượng hơn số lượng. Vì vậy, nếu bạn cố gắng đẩy công việc để chạy theo số lượng thì chắc chắn kết quả công việc sẽ bị suy giảm nặng nề. Đó là lý do tại sao cần phải vạch rõ "đường ranh giới" cho mình. Bạn nên:

- Cương quyết kết thúc công việc trước 23 giờ hàng ngày hoặc không làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần.

- Đặt ra nguyên tắc cho mình, đăng ký tập yoga vào một tối trong tuần và tự bắt buộc mình phải đi tập.

Giu can bang giua cong viec va cuoc song

Học cách đặt giới hạn cho công việc và bản thân là một kỹ thuật có hiệu quả giúp bạn có thể chia sẻ với người khác mọi vấn đề. Giữ nguyên tắc trong công việc sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn. Hãy có trách nhiệm với cuộc sống của cá nhân bạn.

3. Đề nghị người khác giúp đỡ

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác không phải là biểu hiện của sự yếu kém. Những người thành công là những người có nghệ thuật chia sẻ mọi việc với người khác. Đặc biệt nếu bạn là người lãnh đạo thì cách bạn giao việc cho người khác sẽ thể hiện được vai trò quản lý của mình.

Đừng e ngại với suy nghĩ mình làm phiền người khác, bạn có thể giúp lại người đó khi họ gặp khó khăn. Nhờ người khác giúp đỡ, áp lực công việc mà bạn phải chịu đựng sẽ giảm đi đáng kể.

4. Lên kế hoạch hoạt động ngoài giờ làm việc

- Bữa ăn trưa ở cơ quan là cơ hội tốt để bạn thưởng thức một vài món ăn ngon, thêm vào đó bạn có thể giao lưu với đồng nghiệp. Hãy tự tạo thuận lợi cho mình qua những buổi gặp gỡ với bạn bè ở trong một nhà hàng hoặc trong lúc đi dạo.

Dù sao đi nữa thì đừng ăn ngay ở bàn làm việc. Điều đó thực sự có hại cho sức khỏe cả về thực thể lẫn tinh thần.

- Thỉnh thoảng bạn nên ra ngoài hành lang để hít thở không khí trong lành, công việc sẽ tốt hơn khi bạn ngồi vào bàn với khuôn mặt tỉnh táo.

- Kế hoạch hoạt động giữ gìn sức khỏe sau khi hoàn thành công việc có thể được coi là một biện pháp giữ gìn sức khỏe hiệu quả. Giáo sư, bác sĩ Trinidad nói: "Bạn sẽ có một sức khoẻ tuyệt vời nếu như bạn luyện tập yoga trước khi trở về nhà. Những hoạt động này sẽ làm dịu cơn stress của bạn".

5. Nghĩ về một công việc mà bạn ưu tiên

Đã bao giờ bạn thử ngồi đánh giá kết quả và giá trị những việc mà bạn từng coi là quan trọng nhất trong cuộc đời mình? Lên kế hoạch cho công việc ưu tiên bạn sẽ kiểm soát mọi thứ dễ dàng hơn, không một sự kiện nào có thể “chen chân” được vào dự định của bạn.

Dù rằng những khoản tiền có được từ những giờ làm thêm là rất tốt nhưng nếu bạn không có thời gian để giải trí hoặc làm những việc mình yêu thích thì điều đó quả thật đáng lo ngại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét