Mào đầu tiếp cận thực tế
Một mào đầu mà trong đó, thực tế cuộc sống được đưa ra chân thực như thể tác giả đã bứng một góc cuộc sống để đặt vào, đến nỗi khiến người đọc có cảm giác nhân vật ấy, vấn đề ấy tồn tại đâu đây bên cạnh mình, đó là một mào đầu tiếp cận thực tế.
Để viết được mào đầu này, xin đừng quên một quy tắc cổ điển, đơn giản và khó có thể thay thế được trong báo chí, đó là tạo một mào đầu bằng 5 yếu tố: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao. Quy tắc này giúp phóng viên có thể đưa ra rất nhiều thông tin hấp dẫn ngay từ mào đầu. Dưới đây là một mào đầu trong bài phóng sự bàn về vấn đề giáo dục từ xa cho trẻ em tiểu học:
“Jesse, một cậu bé 10 tuổi khá sáng dạ sống tại làng Winter, phía Nam thành phố London (Anh), mỗi tuần đọc 5 cuốn sách. Jesse rất thích đọc sách giáo khoa, say mê các cuốn tiếu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng lại ghét đi trời mưa. Cậu thích bơi, thăm các viện bảo tàng, rất yêu cô em gái hai tuổi nhưng rất ghét dọn dẹp phòng riêng.
Trước đây, Jesse theo học tại một trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, từ lớp hai đến lớp bốn, cậu trở thành học sinh học tại nhà. Và mặc dù không hoàn toàn đồng ý với phương pháp giáo dục mới này nhưng hiện tại, mẹ của Jesse là giáo viên duy nhất của cậu”.
Thay vì đi thẳng vào sự thật, tác giả kể một câu chuyện gần gũi, đời thường có nhân vật cụ thể với tên, tuổi, cuộc sống, không gian, sở thích. Điều này kích thích trí tò mò của độc giả vì họ cảm thấy nhân vật ít nhiều có những điều gần giống với cuộc sống của chính mình.
Mào đầu dẫn dắt
Hãy tránh xa cách vào đề theo kiểu sách giáo khoa và hãy thử một mào đầu có tính chất giai thoại, với lối dẫn dắt có đôi chút hư cấu. Loại này ứng dụng rất tuyệt vời với những chủ đề vốn khô khan hoặc các vấn đề khoa học có tính lý thuyết cao. Đây là đoạn mở đầu bài báo nói về những tiến bộ trong ngành khám chữa bệnh thính giác.
“Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy. 'Đó là một giai điệu tuyệt vời,' chị nói”.
Lưu ý khi viết mào đầu: - Dù bài viết của bạn đề cập đến vấn đề gì đi nữa thì điều bạn muốn nói phải được nhận ra ngay trong đoạn mào đầu, thậm chí, nếu có thể, nằm ngay trên tít. - Khi bạn đang viết về một tộc người nào đó, cần phải chắc chắn độc giả của bạn có thể biết tộc người đó là ai ngay từ những câu đầu tiên. - Hãy viết một mào đầu hấp dẫn nhưng không được phép gây chú ý quá mức so với toàn bộ bài báo vì sẽ khiến độc giả hiểu lầm, đánh giá bài viết là “đầu voi đuôi chuột”, mào đầu hay những càng đọc càng chán. - Không sử dụng đoạn mô tả dài dòng ngay trong phần mào đầu. - Hãy dùng những câu ngắn và những đoạn văn ngắn. |
Mào đầu bằng một nhân vật
Chuẩn bị viết một bài báo mà trong tay không có số liệu hoặc chưa đủ các tư liệu cần thiết, bạn hãy liều mình mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề. Thực ra, bản thân nhân vật, khi được coi là điển hình, cũng đã là một dạng tư liệu hấp dẫn và đầy sức sống. Sau đây là mào đầu trong một bài viết về trào lưu sống thử trong thanh niên, sinh viên xa nhà hiện nay:
“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử như vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.
Tương tự như thế, sau hai đoạn tiếp theo, tác giả lại tiếp tục vẽ ra một bức tranh khác với nhân vật là cặp “vợ chồng sống thử” làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuối cùng, trong đoạn kết, tác giả đưa ra quan điểm của những người ngoài cuộc về vấn đề này. Bài viết hoàn toàn không cung cấp số liệu, chỉ minh chứng bằng nhân vật và đưa ra một số ý kiến do tác giả thu thập được song vẫn khiến người đọc thấy hấp dẫn và tin cậy.
Mào đầu dựng cảnh
Một nhà báo kể lại: Sau khi tiếp xúc với hai người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ giúp việc chăm sóc người cao tuổi, tôi đã quyết định viết về họ. Tôi đã cố gắng thử đi thử lại tới năm, sáu lần viết mào đầu nhưng không thành. Nhân vật, công việc và sự tất bật của họ cứ hiện lên trước mắt mà tôi không biết túm vào đâu để bắt đầu bài viết. Một ý tưởng chợt lóe lên, tôi “bê” nguyên sự bận rộn và nhiệt tình của họ vào mào đầu để chính nó tự nói lên tất cả. Đó là lý do tôi chọn một mào đầu dựng cảnh để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình:
“Chuông điện thoại réo vang: Mẹ tôi đang cần đi chụp X-quang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được. Chị có thể giúp tôi được không?”
“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”
Sau đó, tác giả liệt kê tiếp hai cuộc gọi nữa, cũng vẫn giữ nguyên hình thức thể hiện và tiếp đó ông viết:
“Mỗi lẫn nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại Thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.
Mào đầu gây sốc
Chẳng có gì hấp dẫn độc giả bằng một mào đầu gây sốc. Bạn có thể bắt đầu bài báo bằng một lời phát biểu, một hình ảnh sốc. Mào đầu này đặc biệt hiệu quả với những bài viết mang tính cảnh báo:
“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.
Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”.
Đây là mào đầu trong bài viết cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh Tay-sachs, một loại bệnh di truyền lặn với nhiễm sắc thể thân gây ngu đần và mù ở trẻ em. Căn bệnh này đang gia tăng trong khi nhiều cặp vợ chồng còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về nó.
Đôi khi, muốn gây sốc cho độc giả, bạn có thể sử dụng đại từ nhân xưng để trực tiếp gọi và trò chuyện với độc giả ngay trong mào đầu.
“Những người cao tuổi nên thận trọng với những lời đường mật của một số tên dược sĩ dởm khi chúng nói rằng đang gửi đến cho các ông bà những thiết bị y tế được tài trợ bởi Chương trình của chính phủ Mỹ về chăm sóc người già trên 65 tuổi”.
Đưa ra câu hỏi
Bằng việc đưa ra một câu hỏi, bạn sẽ dẫn độc giả vào sự suy nghĩ và tham gia tìm câu trả lời. Câu hỏi có thể đến ngay trong câu đầu tiên của bài báo hoặc đi sau một vài câu bình luận. Đây là một mào đầu đưa ra câu hỏi trong một bài viết về nạn văng tục, chửi bậy đang trở nên phổ biến trong giao tiếp. Câu hỏi như một cách đặt vấn đề khiến độc giả phải suy nghĩ.
“Bạn đã bao giờ văng tục hoặc khi nghe người khác văng tục, bạn có cảm thấy ngượng ngùng vì phải nghe điều đó chưa?”
Dùng câu trích dẫn
Một cách viết mào đầu khá quen thuộc là sử dụng câu trích dẫn của một nhân vật có thế lực kèm theo giới thiệu tên, xuất xứ, chuyên môn của người đó hoặc bối cảnh phát ngôn.
“Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình, Cảnh sát trưởng Ian Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở cảnh sát London lên trên hết”.
Dùng đoạn hội thoại
Hội thoại là một trong những nguyên liệu quan trọng mà phóng viên có thể sử dụng để viết mào đầu. Đối với một bài báo mà chủ đề có vẻ mang chút kịch tính thì một mào đầu hội thoại rất hiệu quả. Đây là đoạn mở đầu trong một bài viết về tôn giáo:
“Mẹ, thế là mẹ đồng ý rồi phải không. Con phải từ bỏ mọi thứ con yêu vì Đức cha Moon và niềm tin của người”, Athur, cậu con trai 22 tuổi của tôi đang nói qua điện thoại. “Âm nhạc của con, chiếc trống của con, căn hộ và cả bạn gái con nữa”.
Trong đoạn mở đầu hiện lên hình ảnh hai mẹ con và những tâm tư của họ. Câu mở đầu tạo kịch tính và những cảm xúc khác nhau cho người đọc.
Mào đầu thể hiện quan điểm
Cuối cùng, nếu bạn không thể sử dụng được một mào đầu nào trong số trên, bạn hãy nghĩ đến việc bắt đầu bài báo bằng việc đưa ra một lời tuyên bố, thể hiện một quan điểm. Mào đầu này đọc có vẻ hơi “thật thà” nhưng bù lại dễ tạo niềm tin với độc giả. Chú ý dùng những câu giản dị, rõ ràng và thẳng thắn. Đây là mào đầu của bài viết “Liệu luật pháp có đối xử sai với phụ nữ”:
“Công việc của tôi là bào chữa cho những người phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”.
Mào đầu trên không chỉ là một minh chứng cho tính xác thực của bài báo, bộc lộ quan điểm của tác giả mà còn là một lời mời độc giả bước vào… nhà tù cùng tác giả.
(Nội san Nghiệp vụ Thông tấn, 11/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét