Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Bí quyết để có tin bài hay

Gần 7 giờ tối, hai phóng viên của tôi mới chìa ra trước mặt hai bài viết thật dài. Chỉ đọc lướt qua, tôi đã thấy ngại. Không phải vì bụng đói muốn về, cũng không sợ muộn, mà chỉ vì hai bài viết đều... chán quá. "Bài hay thì hiệu đính cũng hứng thú hơn," tôi bảo. Nhưng làm thế nào để có bài hay?

Dưới đây là một số bí quyết trong cuốn "Cẩm nang viết tin" của Peter Eng và Jeff Hodson, Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành.

Nền tảng: Thu thập thông tin

Để viết tin hấp dẫn phải chú ý tới nhiều vấn đề, nhưng trước hết, phải công nhận một điều là sẽ không thể viết hay được nếu không làm tốt công việc thu thập thông tin. Phải làm công tác phóng viên tốt thì mới hiểu rõ được vấn đề định viết. Thu thập thông tin đầy đủ sẽ có được nhiều chi tiết và trích dẫn để làm cho bài viết có tác động mạnh.

Muốn làm cho bài viết trở nên sống động thì phải dùng những trích dẫn và miêu tả mạnh, những mẩu chuyện và ví dụ về con người thực cũng như những chi tiết cụ thể mà độc giả có thể hiểu, nghe hoặc sờ thấy ngay, thay vì những quan niệm mơ hồ, chung chung. Muốn được như thế thì phải quan sát kỹ khi đi lấy tin.

Làm rõ, đơn giản hóa

Đơn giản là một trong những điều thiết yếu cho một bài viết hay. Để đơn giản thì nên dùng cách viết trực tiếp, sử dụng cấu trúc chủ ngữ-động từ-tân ngữ. Phải cô đọng và không dùng những từ ngữ không cần thiết. Nên sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, tránh dùng thuật ngữ vì đó là những ngôn ngữ chuyên ngành, ít người hiểu được. Tránh dùng những ngôn từ sáo rỗng - những câu được sử dụng quá nhiều đến mức chúng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ví dụ "những trại tị nạn trải dài," "những khu du lịch sang trọng" và "sự bất ổn chính trị được khơi mào bởi những tiên đoán."

Nếu thấy khó viết thì cứ coi như mình đang kể câu chuyện đó cho một nông dân nghèo ở vùng quê, hoặc cho ông chú mình bán hàng ở chợ. Bạn sẽ kể chuyện đó cho họ như thế nào?
Đừng viết những câu dài, phức tạp. Đừng đưa hơn 1 ý vào trong một câu. Hãy sử dụng những từ ngữ dễ hiểu. Đừng cố gây ấn tượng với độc giả bằng những từ đao to búa lớn. Ví dụ, thay vì nói "phục viên hóa" thì có thể nói "giảm quy mô quân đội." Tuy nhiên, đơn giản hóa cũng có nghĩa là sử dụng những từ ngắn hơn thay cho những từ dài. Ví dụ "diện tích phòng ở" có thể thay cho "diện tích nơi cư trú."

Nếu thấy khó viết thì cứ coi như mình đang kể câu chuyện đó cho một nông dân nghèo ở vùng quê, hoặc cho ông chú mình bán hàng ở chợ. Bạn sẽ kể chuyện đó cho họ như thế nào? Bài viết hay có đặc điểm là tự nhiên và mang tính chất hội thoại, cứ thể như là mình đang nói (nhưng không phải là văn nói). Đừng cố gây ấn tượng với độc giả bằng cách hành văn của mình. Nghĩa vụ của bạn là làm một liên lạc viên, một người kể chuyện.

Sử dụng những động từ và danh từ mạnh

Nhạc đám cưới đang xập xình hay đang 
bùm bùm? Nền kinh tế đang được cải thiện hay đang bật dậy?

Hãy sử dụng nhưng động từ cụ thể và động từ chủ động thì tốt hơn động từ bị động. "Cảnh sát đã bắt kẻ tình nghi" tốt hơn là "kẻ tình nghi đã 
bị cảnh sát bắt." Danh từ cụ thể tốt hơn là chung chung, không rõ. "Một cậu bé 15-16 tuổi" thì tốt hơn là nó "một thanh niên". Tránh sử dụng quá nhiều tính từ và phó từ bổ nghĩa. Thường thì chúng chỉ làm cho câu dài thêm chứ ít có tác dụng.

Những động từ và danh từ mạnh để lại cho độc giả một ấn tượng khó quên. Nhưng đừng có nói bốc lên. Không phải tất cả những cuộc tranh cãi giữa các chính trị gia đều là những "cuộc chiến nẩy lửa". Đôi khi chỉ là những tranh cãi bình thường. Không phải khó khăn nào đối với Chính phủ cũng là một "cuộc khủng hoảng". Cũng có lúc chỉ là một trục trặc.

Chỉ ra, chứ đừng bảo

Hãy sử dụng những chi tiết và ví dụ cụ thể để minh hoạ cho ý chung chung, và sử dụng những từ cụ thể bất cứ khi nào có thể:

  • Đừng nói công viên "đẹp lắm". Từ đó mơ hồ khó hình dung. Đẹp như thế nào? Hãy miêu tả hoa lá, cây cối, ao hồ, màu sắc, mùi hương.

  • Đừng nói nhà "cũ". Hãy chỉ cho họ thấy bằng cách miêu tả lớp sơn đã bong tróc, chiếc cổng gỉ sắt và cửa kính vỡ.

  • Đừng nói là người bán rau rất "vui". Hãy tả bà ấy nở nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt như thế nào.

Để có tin hay thì phải dựa vào quan sát tốt, làm cho độc giả cảm thấy cứ như là đang được chứng kiến sự việc. Làm cho họ thấy, nghe, cảm và hiểu được. Quan trọng là phải thấy mọi người đang làm gì. Tin bài hay, đặc biệt là bài phải diễn tả được hành động của nhân vật để độc giả hình dung ra toàn bộ khung cảnh đang chuyển động.

Seng Sophoan, một sinh viên báo chỉ ở Campuchia, tả một cô bé 17 tuổi nhớ lại mình đã bị bán đến nhà chứa như thế nào. Có thể chỉ cần viết "cô gái khóc," nhưng không, phóng viên đó diễn tả hiệu quả hơn nhiều: 

Sok Na túm lấy tay áo dài của chiếc áo màu nâu để lau giọt nước mắt.

Xử lý con số

Con số quan trọng vì nó làm cho người đọc tin vào bài viết. Nếu bạn đang viết một bài về sự lây lan của virus HIV, bạn đọc sẽ muốn biết có bao nhiêu người mắc virus này. Nhưng con số chẳng có ý nghĩa lắm nếu nó không được so sánh với những con số khác. Nếu kể bao nhiêu trường hợp mắc AIDS năm nay, thì nên so sánh với số liệu năm ngoái. Rồi so sánh cả hai con số với toàn bộ dân.

Tương tự đối với ngân sách. Tất cả các tin, bài viết về ngân sách mới của một cơ quan thì nên so sánh nó với ngân sách năm ngoái. Cao hơn hay thấp hơn và là bao nhiêu? Nếu là số liệu quý I thì so nó với quý I năm ngoái.

Đưa con số không thôi chưa đủ. Cần phải giải thích lý do đằng sau sự thay đổi con số đó. Vì sao tỷ lệ nhiễm AIDS tăng? Vì sao ngân sách năm nay cao hơn? Không có các câu trả lời này, con số hầu như chẳng có mấy ý nghĩa.

Phải biết chọn số liệu và cẩn thận khi sử dụng. Vì bài có quá nhiều số liệu sẽ khiến độc giả ngủ gật ngay.

Xem liệu bạn có còn thức nổi mà đọc đoạn trích lấy từ một cái tin viết về việc sản xuất lúa mùa mưa ở Lào như sau hay không:

Houaphan đã gieo cấy được 9.000 ha lúa, tương đương với 80% trong tổng số, Sayaboury 11.700 ha, tương đương với 53,9% trong tổng số, Phongsaly 2.300 ha, tương đương với 40% trong tổng số, Xieng Khuang 12.555 ha, tương đương 85% trong tổng số, Khammuan 35.800 ha tương đương 50% trong tổng số, Savannakhet 85.000 ha, tương đương 79% trong tổng số, Saravan 30.000 ha, tương đương 64% trong tổng số, Champassak 46.000 ha, tương đương 56% trong tổng số, Attapeu 8.000 ha, tương đương 60,6% trong tổng số.

Chỉ có độc giả nghiêm túc nhất mới đủ kiên nhẫn để đọc tiếp. Quá nhiều con số. Tốt hơn là để những con số đó trong một bảng riêng.

Có thể bạn đã thu nhặt được nhiều dữ liêu, nhưng đừng có đưa cả nội dung cuốn vở ghi vào trong bài. Chỉ sử dụng những con số quan trọng nhất. Nếu có thể thì làm tròn số. Thay vì nói 11.235.684 người, thì viết "11,2 triệu." Thay vì nói "48,75% du khách là người Nhật" thì viết "gần nửa."

Đọc thêm:

10 bước giúp cải thiện các bài kinh tế

Viết bài kinh tế thế nào cho hay? 

Các thủ thuật viết tin kinh tế

Đôi khi con số rất khó hiểu trừ khi được so sánh với những cái khác mà chúng ta có thể hình dung. Ví dụ, cơ thể con người có hàng chục nghìn km mạch máu. Rất nhiều, nhưng khó tưởng tượng. Thử viết, "Cơ thể con người có nhiều mạch máu đến nỗi chúng có thể quấn quanh hành tinh này hai lần nếu được nối lại với nhau". Lúc ấy, con số trở thành một bức tranh và dễ tưởng tượng hơn.

Một phóng viên được bảo rằng những thanh sắt trong một tòa nhà lớn được kéo mạnh tới mức chúng tạo ra một lực 4 triệu kg. Nhưng 4 triệu kg có nghĩa gì? Anh ta hỏi một kỹ sư và người đó nói rằng: Như vậy sẽ giống "độ nặng của 220 chiếc xe con chồng lên nhau." Sự so sánh như vậy giúp độc giả dễ hình dung ra lực đó mạnh như thế nào.

Nhịp điệu và sự đa dạng

Viết hay có giai điệu của nó. Ví dụ:

Đầu tiên có Cuộc cách mạng Xanh
Bây giờ là Cuộc cách mạng Gen

Bou Saroen, phóng viên tờ Phnom Penh Post (Bưu điện Phnôm Pênh) đã viết phần mào đầu này cho một bài về sự thay đổi của nông nghiệp Thái Lan.

Rất có vần điệu. Hai câu có cùng một cấu trúc. Vì vậy làm nổi lên sự khác biệt giữa các từ chính: xanh và gen. Phần mào đầu này được dựng lên một câu chuyện về lương thực trồng từ hạt đã được biến đổi gen bằng phương pháp khoa học.

Điều quan trọng là phải biết thay đổi độ dài của các câu. Viết một câu dài cũng được nhưng nó phải xuôi và đưa tới cho độc giả những thông tin quan trọng và lý thú. Tiếp đó là một câu ngắn để tránh nhàm chán.

Giọng văn

Giọng văn của bài viết nên thích hợp với câu chuyện. Nếu viết về một tai nạn làm chết nhiều nạn nhân thì giọng văn nên nghiêm túc. Nếu viết một bài về một người đàn ông bán khỉ nhựa kiếm sống thì giọng văn nên nhẹ nhàng thoải mái.

Viết lại

Khi đã hoàn thành với phần nháp của bài viết, đừng vội thoả mãn. Hãy lướt lại câu chuyện một lần nữa. Tự biên tập và hãy đánh giá thật khắt khe với mình. Cần tự hỏi: mình có thể làm cho nó rõ hơn không? Có thể làm cho nó đơn giản hơn nữa không?

Sách phong cách (Style Guide)

Có những điều đúng sai trong ngữ pháp và chính tả. Nhưng đối với từ và cấu trúc thì không nhất thiết. Có nhiều cách ngắt câu. Để thống nhất thì các cơ quan báo chí nên có cuốn sách về nguyên tắc chính tả, chấm câu, con số, v.v... Theo cuốn sách đó, mọi phóng viên và biên tập viên trong đơn vị sẽ viết đúng theo một cách. Tờ báo đó sẽ chuyên nghiệp hơn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét