Lâu nay, nếu gọi một người trẻ là “Rùa” thì thường có nghĩa chê bai người đó quá chậm chạp. Nhưng nay thì khác, trong nhịp sống gấp gáp đến chóng mặt lại có những người trẻ tôn thờ “chủ nghĩa sống chậm”, chủ động biến mình thành “rùa” giữa thời đại @, coi đó là lối sống tích cực và khôn ngoan.
Cuộc sống vội vã khiến nhiều người trẻ than thở mình không có thời gian để thẩm thấu một quyển sách hay, nghiễn ngẫm một bộ phim có tính "mã hóa" cao, nghe một bản nhạc không lời có khúc thức hoặc ăn một món ngon. Theo thời gian, việc chấp nhận cái ngắn hạn, tức thời, nhanh gọn trở thành thói quen khó bỏ… Khi ấy, không ít người trẻ không cân bằng được “nhanh – chậm” rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc hẫng hụt.
Giữa lúc đó, khái niệm “sống chậm” ra đời, trái ngược hoàn toàn với “sống gấp”, “sống lướt” hay “sống nhanh”, “sống tạm”. Trên thế giới đã có cả “hội những người sống chậm”, đến Việt Nam, đây vẫn còn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Không ít người trẻ bảo “tôi đang sống chậm hay muốn sống chậm” như một cái “mốt” hoặc nghĩ đơn giản kiểu "trâu chậm uống nước đục" mà thực chất không hiểu “sống chậm” là gì.
“Chậm lại để không hời hợt”
Đó là lời kêu gọi thường thấy trên các blog hoặc các forum của giới trẻ hiện nay vì sống giữa guồng quay không bao giờ ngừng nghỉ của thời gian, giới trẻ bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt và buồn chán trước những áp lực về tiền bạc, bon chen, đua tranh…
Nhiều người giật thột khi nhận thấy mình cần tĩnh lại để nuôi chín cảm xúc, tận sức tận tình với công việc, hưởng thụ cuộc sống, lắng nghe gia đình, bè bạn… Những điều ấy, lâu nay, vì quá nhanh – vội – gấp mà dễ vụt qua, để rồi nay chợt thấy cần “tĩnh” lại để định hình và nhận diện rõ điều gì thực sự là cốt lõi, cần có, điều gì chỉ là thoáng qua.
Nguyễn Đình Chiến, sinh năm 1985, sinh viên khoa CNTT, ĐH Công nghệ Hà Nội, lập trình viên của báo “Bóng đá và đời sống”, là một mẫu người của công việc. Hằng ngày, đi học, đi làm chiếm hết phần lớn thời gian của anh. Anh tâm sự: “Mục tiêu sống của tôi là làm việc. Hai chữ “kiếm tiền” lúc nào cũng ám ảnh tôi vì không có tiền thì sẽ không có hạnh phúc, không có vị thế xã hội… Nhiều khi cũng muốn sống chậm lại, nhưng thấy khó quá!”
Đỗ Thu Trang, cô sinh viên du lịch lại có một mối lo khác: “Người yêu tôi làm lễ tân tại một khách sạn, lúc nào anh ấy cũng chỉ biết có công việc. Hai đứa chỉ gặp nhau vội vội vàng vàng, sớm nhất là sau 10h tối, được dăm ba phút rồi lại đuờng ai nấy đi… Có thứ tình yêu nào vội vã như vậy không?”
Như vậy, sống gấp gáp, theo nhịp độ của từng cái click chuột quả thật đang khiến giới trẻ lo lắng, khủng hoảng vì cảm thấy cuộc sống là áp lực đè nặng, không còn gì là thú vị nữa. Nhìn quanh chỉ thấy có sự tranh cướp, mọi người hối hả, quay cuồng. Lúc nào cũng “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ” khiến họ không có thời gian để chắt lọc những cái hay, cái tinh túy của đời sống, không chỉ về mặt tinh thần mà còn về vật chất; đồng thời cũng quên cả việc "gạn lọc" những phù phiếm, nhất thời. Ai cũng muốn ôm vào mình quá nhiều thứ mà có khi không phải thuộc về mình hoặc không “tiêu hóa” kịp.
Chẳng thế mà đã có những entry blog của các bạn trẻ, tự tham vấn mình: “Cuộc sống hiện đại phải chăng đã làm mất dần cảm xúc yêu, cảm xúc sống?
Từ những ý thức giản dị đó, trên thế giới, khái niệm “sống chậm” ra đời. Ở Việt Nam, đã có sách “Ngợi ca sống chậm” (nổi tiếng thế giới) bán rất chạy. Cuốn sách chung của hai nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư và Lê Thiếu Nhơn không có bài nào tên “Sống chậm thời @” nhưng vẫn lấy tựa như thế để dễ hút khách hơn. Đạo diễn Vũ Thái Hòa đã bấm mấy phim có tên “Sống chậm”.
Sống chậm mới, “Rùa và thỏ” cũ
Không ai không biết câu chuyện ngụ ngôn của La Fontein “Rùa và Thỏ”. Thỏ cậy mình chạy nhanh nên rong chơi suốt chặng đường thi, còn rùa vẫn cặm cụi, miệt mài và chạy về đích trước. Suốt bao thế hệ, bài học rút ra từ câu chuyện này là: Cần cù, chịu khó còn hơn là cậy sức, cậy tài.
Đó là bài học mà cha mẹ, thầy cô vẫn nhắc nhở chúng ta, nhưng thời @, các bạn trẻ dường như lại nghĩ khác. Họ coi câu chuyện giữa Thỏ và Rùa là bài học về sự nhanh và chậm, bài học mới về cách sống.
Đỗ Thu Trang (SN 1984 – Khoa du lịch/ Đại học Mở Hà Nội): “Trong câu chuyện này, rùa coi chuyện chạy thi là nghiêm túc và anh ta chỉ có một mục đich là chạy đến đích. Nhưng thỏ đâu coi chuyện chạy thi là cái gì. Anh có thắng thì vẫn chậm như rùa cơ mà. Thỏ quan niệm chạy thi là hi hữu, còn vừa chạy vừa chơi mới là sống. Tóm lại, rùa thì thi, thỏ thì đang sống”.
Bùi Thế Quang (SN 1984 – Cao học Công nghệ thông tin/ Đại học Bách khoa Hà Nội): “Tôi nghĩ, con thỏ biết sống, nó chẳng quan tâm tới thắng thua, chỉ tận hưởng sự rỗi rãi. Tuy nhiên, người thắng lại là chú rùa chậm chạp nhưng cần mẫn”.
Và cũng có ý kiến trái ngược
Chu Hồng Minh (SN 1981 – Lưu học sinh Việt Nam tại Anh): “Loài rùa chậm rãi nhưng chin chắn hơn, nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn và nó là người thắng cuộc. Nó thắng cuộc không phải chỉ vì cần cù, chăm chỉ, mà vì nó nhìn thấy được mục tiêu, địch thủ của mình và hiểu rằng mình cần phải làm gì. Chậm là để chiến thắng, chú không phải chậm lại để sống không có mục đích”.
Như vậy, sống nhanh hay sống chậm đã trở thành mối băn khoăn suy xét với nhiều người trẻ. Thực ra thỏ và rùa, con nào đang “sống chậm”? Cuộc tranh luận thế nào mới là “sống chậm” còn kéo dài trên các forum. Mỗi người có một ý kiến khác nhau và thật khó để thống nhất được khái niệm “sống chậm”.
“Sống chậm” liệu có phải là sự lỗi mốt? Hay “sống chậm” là sống như con lười, không quan tâm đến thời gian đang vùn vụt chay qua? Cũng có thể “sống chậm” là sự chín chắn, biết chọn lọc, dừng lại giữa đuờng để nhìn lại những gì đã qua? Và “sống chậm” liệu có phải là tận dụng từng giây, từng phút của thời gian để hưởng thụ cuộc sống? Chậm lại để nhanh hơn?
Những người “sống chậm”
“Sống chậm” là khái niệm còn nhiều tranh cãi và có nhiều cách hiểu, nhưng những người sống chậm, rõ ràng có một điểm chung, đó là không vội vã, thích “dụng mưu” hơn “dụng sức”.
Bạn Nguyễn Trọng Hải, sinh viên khoa Cầu Đươờg, trường Đại học Giao Thông Hà Nội, nổi tiếng trong trường là một người sống chậm. Chuông reo vào lớp, không vội vã. Mọi người đua nhau đi kiếm tiền, bạn cũng không có gì phải lo lắng. Các sinh viên khác sắm sửa đủ mốt nọ, mốt kia, rồi di động thay liên tục, bạn vẫn chẳng quan tâm, vẫn con Nokia đời “ơ kìa” và chiếc Dream cũ kĩ. Hải không quan tâm thúc mình, tạo những động lực để cải thiện những gì cũ kỹ, mặc cho đời sống trôi tự do theo phương chậm “điều gì đến sẽ đến”…
Trái ngược lại với Hải là Trịnh Dũng, hiện làm phụ trách kinh doanh cho một công ty truyền thông, ngoài ra anh cũng là giám đốc của một công ty Tư vấn du học Trung Quốc. Áp lực công việc rất nặng nề. Mỗi tuần, anh phải luôn đi đi về về Việt Nam-Trung Quốc. Thế nhưng, anh vẫn bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hóa trà và sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ cùng bạn bè tự pha và thưởng thức trà Ô Long hay Phìn Hồ, xem những bộ phim “tiết tấu chậm”. Điều quan trọng với Trịnh Dũng là “nâng cao kỹ năng làm việc nhanh và tăng cường hiệu quả để có khoảng lặng của riêng mình”.
Vậy Trọng Hải hay Trịnh Dũng, ai là người sống nhanh hay sống chậm? Ai là người để thời gian phục dịch mình chứ không phải mình è cổ để chống chọi với thời gian? Dù cho khái niệm “sống chậm” chưa phân định rõ đúng - sai, tích cực hay tiêu cực, nhưng lời kêu gọi “hãy sống chậm lại” ít nhất cũng có ý nghĩa đối với những người không cân bằng được bản thân mình, mải miết, vô tình trôi mà không để ý mình đã đánh rơi những điều quý giá trong cuộc sống…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét